Hà Nội không thiếu những lò thịt quay nổi tiếng. Tuy nhiên, món thịt heo quay đòn ở làng Đường Lâm được xem là độc đáo, lừng danh khắp vùng không chỉ bởi hương vị khác biệt mà còn ở phương cách chế biến cầu kỳ.
Nằm cách trung tâm TP. Hà Nội chừng 44km, làng cổ Đường Lâm ngày nay vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt cổ thuộc bằng châu thổ Sông Hồng với cây đa, bến nước, sân đình.
Bên cạnh phong cảnh hữu tình, làng cổ Đường Lâm còn sở hữu rất nhiều nghề truyền thống mang đậm bản sắc liên quan đến văn hóa ẩm thực. Trong đó, có một đặc sản chỉ xuất hiện trên các mâm cỗ dịp lễ trọng, Tết đến xuân về để thết đãi bạn bè, du khách. Đó chính là món thịt quay đòn.
Cách chế biến món thịt heo quay đòn ở làng Đường Lâm rất độc đáo, không chỉ vì hương vị khác biệt mà còn gắn với một câu chuyện từ xa xưa. Tương truyền, vua Ngô Quyền sau khi đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã cho làm món thịt quay đòn gánh để khao quân và từ đó thì món ăn này đã được lưu truyền lại, trở thành “đặc sản” Đường Lâm.

Để làm ra món thịt quay đòn nức tiếng gần xa, người dân Đường Lâm thường phải thức dậy từ 2,3 giờ sáng để nhóm lửa, đốt củi lấy than và mang thịt ở ngoài chợ về. Từng tảng thịt vuông vắn, nạc mỡ xen kẽ với nhau còn nóng hổi được đặt trên những tấm phản gỗ để cạo sạch lông, rồi dùng những chiếc chày Inoc có gắn que nhọn châm lên bề mặt để khi ướp thịt sẽ ngấm đều.
Miếng thịt heo được chọn để quay phải là loại ba chỉ ngon, tươi, có lớp da dày nhưng lại không được quá nhiều mỡ. Thịt được tẩm ướp với những gia vị như húng lìu, hạt tiêu, hành tươi, mắm muối… Một trong những nguyên liệu làm nên sức hấp dẫn của thịt quay đòn gánh là lá ổi. Lá ổi non được băm nhỏ, ướp với thịt khoảng một tiếng, trong khi phần lá bánh tẻ lót vào miếng thịt trước khi đem đi quay. Sau khi được tẩm ướp xong xuôi, thịt được cuốn gọn vào một chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong.

Khâu quay thịt cũng rất cầu kỳ, ban đầu, người làm kê cao miếng thịt khoảng 50 cm so với ngọn lửa. Khi thịt tái đi mới hạ xuống còn khoảng 30 cm để miếng thịt gần lửa hơn. Thịt phải được trông chừng cẩn thận để giữ khoảng cách đúng với lửa. Khi thịt đã se lại và chảy mỡ, người ta mới hạ thấp đòn xuống gần lửa hơn nữa để miếng thịt có màu vàng hấp dẫn. Thịt còn được phết thêm một lớp mật ong để món ăn bắt mắt, khi chín có mùi vị đậm đà hơn. Quá trình quay một miếng thịt có thể lên tới 6 tiếng.
Thịt quay đòn Đường Lâm khi chấm với nước tương Đường Lâm hoặc muối chanh đều rất ngon. Vì có lớp bì giòn tan bên ngoài và lớp thịt ngọt mềm bên trong cộng với mùi thơm lừng của hương ổi nên ăn bao nhiêu cũng không thấy ngán.

Mùi thơm của thịt quay đòn gánh thơm lừng và lan toả khắp các con phố của làng cổ Đường Lâm mỗi phiên chợ sáng khiến du khách đến thăm làng khó có thể cưỡng lại. Ngoài thịt quay đòn gánh, du khách đến làng cổ này còn có thể thử thêm các món quà quê như bánh tẻ, chè lam, kẹo dồi, gà mía…/.
(Nguồn: Vnexpress.net)