Tại Trung Đông – một trong những cái nôi của nền văn minh và văn hóa nhân loại, vào khoảng thế kỷ 4 trước công nguyên, người Ba Tư cổ đại đã nghĩ ra một thứ gọi là Yakhchāl. Yakhchāl được gọi nôm na là “tủ lạnh”, nhằm giúp người Ba Tư dự trữ thực phẩm trong những tháng mùa hè oi bức.

Nhìn bên ngoài, cấu trúc của Yakhchāl như đâm xuyên bầu trời với hình dạng mái vòm. Ở bên trong, Yakhchāl thường tích hợp một hệ thống làm mát bay hơi, giúp giữ nước và các loại thực phẩm luôn mát lạnh, thậm chí có thể làm đông đồ khi lưu trữ trong phòng dưới lòng đất của ngôi nhà. Việc người Ba Tư cổ đại cố gắng lưu trữ nước đá lạnh giữa sa mạc nghe có vẻ khá xa vời, nhưng về bản chất, kỹ thuật họ sử dụng cũng không quá phức tạp.

Hệ thống làm mát bay hơi bên trong các ngôi nhà vận hành thông qua các thiết bị đón gió, với nước dẫn từ các con suối gần đó qua các hệ thống kênh ngầm chung được thiết kế để dẫn nước qua nhiều khu vực khác nhau. Các bức tường được xây từ cát, đất sét, với lòng trắng trứng và lông dê cùng những thành phần khác, nhằm giảm nhiệt trước cái nắng nóng của sa mạc.

Các công trình này cũng chứa rãnh được thiết kế ở phía dưới để hứng nước từ đá lạnh bị chảy. Sau khi được thu thập, nước sẽ được làm đông lại vào ban đêm, giúp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên cũng như nhiệt độ ban đêm lạnh giá của sa mạc. Đây cũng là một quá trình lặp đi lặp lại.

Thời nay, người ta đã ngừng sử dụng Yakhchāl, nhưng dù một số công trình đã bị hư hại và xói mòn do bão sa mạc, nhiều công trình khác vẫn còn nguyên vẹn trên khắp Iran cùng một số quốc gia lân cận. Việc sử dụng thuật ngữ Yakhchāl vẫn còn tồn tại ở khu vực Trung đông ngày nay mỗi khi người ta đề cập đến việc sử dụng tủ lạnh trong các nhà bếp hiện đại./.
(Nguồn: Tổng hợp)